
Th8
Rủi ro là yếu tố đáng sợ nhất mà bất kì nhà đầu tư nào cũng e dè. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, nói thẳng ra là khiến bạn mất tiền. Vậy có những rủi ro phổ biến nào, quản trị rủi ro, cắt lỗ ra làm sao, cách nào để quản trị rủi ro tốt nhất khi chơi chứng khoán. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn từ A-Z.
I. Rủi ro trong đầu tư chứng khoán là gì ?
Nhiều nhà đầu tư nghe 2 từ “rủi ro” nhưng lại không biết bản chất nó thực sự là gì, nó xuất phát từ đâu. Dưới đây, tôi sẽ trình bày chi tiết nhất, dễ hiểu nhất với bạn.
Có nhiều cách phân loại rủi ro, nhưng tôi nhấn mạnh vào một số rủi ro quan trọng dưới đây mong giúp bạn hiểu rõ bản chất rằng lợi nhuận kỳ vọng càng lớn thì rủi ro càng cao. Nhờ đó mà chúng ta có thể kiềm chế cảm xúc, tư duy logic, tránh những lo sợ hay mơ mộng một cách thái quá theo vòng xoáy cuồng loạn của đám đông trên thị trường đầu cơ chứng khoán.
· Rủi ro xảy từ nhà đầu tư hoặc đơn vị phụ trách đầu tư.
· Rủi ro xảy ra từ doanh nghiệp.
· Những rủi ro khác: rủi ro vĩ mô, rủi ro ngành,..
Dưới đây, tôi sẽ phân tích chi tiết về các loại rủi ro: nguyên nhân, hậu quả mà nó tác động đến hiệu quả đầu tư.
1.1 Rủi ro từ nhà đầu tư hoặc đơn vị phụ trách đầu tư
Hoạt động đầu tư cần nguồn lực và thời gian nghiên cứu doanh nghiệp một cách thấu đáo, kỹ lưỡng, toàn diện. Nhưng nhà đầu tư hoặc đơn vị phụ trách đầu tư không đủ khả năng tiến hành toàn bộ các công việc như vậy với hàng ngàn doanh nghiệp khác nhau. Khiến cho sự thấu hiểu về doanh nghiệp còn hạn chế, sai lệch, không đủ thông tin và thiếu chính xác trước khi ra quyết định đầu tư.
Không những vậy, nhiều nhà đầu tư còn không bỏ thời gian nghiên cứu tìm hiểu về doanh nghiệp mình bỏ vốn. Họ không hiểu doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực gì, tình hình tài chính ra sao, lãnh đạo là ai. Thay vào đó, họ dành thời gian vào việc dùng các công cụ thần bí để tiên đoán xem: hàng trăm nghìn nhà đầu tư khác ngày mai sẽ mua hay bán cổ phiếu, thị trường sẽ tăng hay giảm, …
Đây là rủi ro dễ gặp phải. Không chỉ đối với các cá nhân mà cả đối với các công ty, quỹ đầu tư lớn, uy tín.
Ngoài ra, rủi ro còn đến từ các khâu khác trong quy trình đầu tư. Đó là: lựa chọn thời điểm mua bán, quản lý danh mục đầu tư,…
Nguyên nhân nữa là do tâm lý của các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư mới bước vào thị trường chứng khoán hoặc họ bị thua lỗ liên tục nên họ luôn trong tình trạng lo sợ mất tiền. Nên dễ bị lôi kéo bởi đám đông và dễ đưa ra những quyết định sai lầm.
Khi không có những hiểu biết thấu đáo về các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể lựa chọn những doanh nghiệp xấu để đầu tư. Hoặc chọn những doanh nghiệp làm ăn chỉ có hòa với lỗ, không thấy lãi đâu cả khiến cho giá cổ phiếu không tăng mà còn bị giảm . Cổ tức nhà đầu tư nhận được cũng chả đáng bao nhiêu. Trong trường hợp như thế này thì đem tiền đi đầu tư cổ phiếu còn thua xa các kênh đầu tư khác.
Khi chưa bước vào cuộc đầu tư thì bạn vẫn đang có cơ hội lựa chọn doanh nghiệp. Hãy chọn lựa một cách kĩ càng nhất.
Ví dụ: Nếu nhà đầu tư không phân tích chuyên sâu thì có thể lựa chọn vào các cổ phiếu ma, cổ phiếu rác. Như mã NHP (Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP).
Giá cổ phiếu từ tháng 10/2017 vẫn đang ở mức giá gần 18 nghìn đồng/1 CP. Nhưng sau đó giá sụt giảm nghiêm trọng và giảm đến tận bây giờ. Giá cổ phiếu hiện nay rất rẻ chỉ 700 đồng tại phiên giao dịch ngày 30/5/2019 tại sàn HNX. Nhưng giá trị thực của nó cũng chả đáng 700 đồng. Nếu bạn lựa chọn vào những cổ phiếu rác như này, bạn sẽ mất trắng.
1.2. Rủi ro đến từ doanh nghiệp
Bản thân quá trình kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng luôn chứa đựng những rủi ro. Các rủi ro này thường được mô tả chi tiết trong Bản cáo bạch (Quy định bắt buộc chuẩn bị cho quá trình niêm yết).
Rủi ro doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào:
- Tầm nhìn
- Sứ mệnh
- Mục đích
- Mục tiêu của doanh nghiệp.
- Nguồn lực của doanh nghiệp.
Ví dụ: một doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh lĩnh vực may mặc. Nhưng hiện nay lại muốn kinh doanh thêm mảng bất động sản. Thì nhà đầu tư phải xem xét nghiên cứu kĩ xem hướng đi mới của doanh nghiệp có thực sự tiềm năng hay không? Có phù hợp với nguồn lực hiện tại của doanh nghiệp không? Nếu không thấy khả thi thì rót vốn vào đấy thực sự nguy hiểm.
Hậu quả của các rủi ro rất khó lường trước được. Khi một nhà đầu tư đã quyết định lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư nhưng cả năm doanh nghiệp làm ăn không khấm khá lên, thua lỗ. Giá cổ phiếu không tăng. Không chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Điều này khiến đồng tiền nhà đầu tư bỏ vào không phát huy được tác dụng, không mang về lợi ích gì cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư còn bỏ lỡ các cơ hội đầu tư khác, đây chính là chi phí cơ hội.
1.3. Những rủi ro khác
Bên trên là hai rủi ro quan trọng và cơ bản nhất. Mỗi nhà đầu tư cần nắm rõ, trước khi tự đầu tư hay quyết định gửi gắm tiền bạc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác.
Ngoài ra, còn hàng loạt những rủi ro mang nặng tính khách quan như:
- Các yếu tố vĩ mô (tỷ giá, lạm phát, lãi suất, ..),
- Chiến tranh
- Thiên tai
- Chính trị, pháp luật, …
Nhiều khi, những rủi ro này liên tục bị truyền thông, các “chuyên gia” chém gió thổi phồng gây hoang mang, lo sợ trên thị trường đầu cơ. Những rủi ro này thì ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ví dụ: doanh nghiệp bạn đang đầu tư sử dụng nguồn vay nợ nhiều cho hoạt động kinh doanh thì khi lãi suất tăng lên. Chi phí cũng sẽ tăng lên. Ảnh hưởng trực tiếp ngay đến lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Giá cổ phiếu sẽ giảm.
Rủi ro về lạm phát: Lạm phát làm cho đồng tiền bị mất giá, như vậy cổ tức thu được từ cổ phiếu bị giảm giá trị.
Còn các rủi ro như thiên tai thì mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều. Một cơn bão lớn có thể phá hỏng, càn quét cả một phân xưởng, kho bãi,… Những thiệt hại đó ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến hiệu quả kinh doanh. Một vài doanh nghiệp phải mất vài năm mới khôi phục lại được.
Bạn đầu tư vào các doanh nghiệp này thì bạn cũng phải chịu những thiệt hại như vậy. Mất mát là việc cổ phiếu rớt giá, không được chia cổ tức,…
II. Quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán
Nói nôm na, quản trị rủi ro trong đầu tư là làm mọi cách để giảm thiểu được rủi ro khi đầu tư. Giảm thiểu được bao nhiêu thì khả năng mất tiền cũng giảm. Từ đó danh mục đầu tư của bạn sẽ hướng tới lợi nhuận chứ không phải là thua lỗ.
Tôi sẽ trình bày một số biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Ứng với các loại rủi ro mà tôi đã phân tích phía trên.
2.1. Các biện pháp phòng tránh và quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán
2.1.1. Đối với rủi ro xảy từ nhà đầu tư hoặc đơn vị phụ trách đầu tư
Đây là rủi ro từ chính bản thân bạn. Nên bạn có thể dễ kiểm soát nhất. Mách bạn một số biện pháp như sau:
– Trong quy trình đầu tư thì việc nghiên cứu phân tích để lựa chọn ra một doanh nghiệp tốt là điều rất quan trọng. Nó còn giảm thiểu được rủi ro thứ hai là rủi ro đến từ doanh nghiệp. Bạn phải thực sự bỏ thời gian và công sức để nghiên cứu kĩ càng các doanh nghiệp. Khi bạn tự tin vào doanh nghiệp mình chọn thì bạn cũng giải quyết được rủi ro tâm lý. Thế nên phân tích nghiên cứu thường chiếm khoảng 60% thời gian của một thương vụ đầu tư.
– Bạn phải có một chiến lược đầu tư rõ ràng. Ngay từ đầu đã đi sai hướng thì bạn rất khó quay đầu lại. Đôi khi không có một chiến lược rõ ràng bạn còn không biết mình sai ở đâu mà sửa. Nên khi rủi ro đến bạn cũng không biết nó đến từ đâu.
– Còn khi bạn ủy thác số vốn của mình cho một đơn vị đầu tư khác. Bạn cần có những tiêu chí để lựa chọn cho mình một đơn vị thực sự có khả năng và chất lượng. Bạn có thể lựa chọn theo các tiêu chí như : Trình độ của đội ngũ nhân viên, phương pháp đầu tư, feedback từ các khách hàng trước,…
2.1.2. Đối với rủi ro đến từ doanh nghiệp
Đây là rủi ro ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nên sự quản trị cũng khó hơn. Bạn bị thụ động trong vấn đề này. Vậy có cách nào để giảm thiểu rủi ro không?
– Giải pháp đa dạng hóa lúc này phát huy hiệu quả rất tốt . Khi mà chính Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng không thể lường hết và ứng phó hoàn hảo những rủi ro đến với doanh nghiệp của họ. Thì bản thân chiếc giỏ mà chúng ta dùng đựng chúng đã không thể an toàn tuyệt đối. Dù cho chúng ta có nghiên cứu kỹ lưỡng đến thế nào. Vậy nên “Bỏ trứng vào nhiều giỏ” là hợp lý. Bạn sẽ không lo mất trắng tay khi chỉ chăm chăm vào 1 đến 2 mã cổ phiếu. Tuy nhiên, đa dạng đến mức độ thế nào? Bạn nên thực hiện một cách vừa phải tùy theo quy mô NAV của bạn và yếu tố ngành nghề của những doanh nghiệp bạn chọn.
– Ngoài ra, “Biên an toàn” – một công cụ vô cùng hiệu quả được đề xuất bởi B.Graham cũng được nên được sử dụng trong mỗi thương vụ đầu tư. Khi mức giá thị trường thấp hơn nhiều so với mức giá nội tại mà nhà đầu tư xác định thì khoảng chêch lệch giữa hai giá trị này được gọi là Biên An Toàn. Việc sử dụng biên an toàn sẽ giúp nhà đầu tư mua chứng khoán có giá trị nội tại cao hơn giá trị trường, tại một mức giá hời nhất. Và biên an toàn thì là do mỗi nhà đầu tư đưa ra và không có con số chính xác nào.
2.1.3 Đối với những rủi ro khác
Chúng ta chỉ nên lo ngại khi nhận thấy có tác động thực sự trực tiếp hoặc gián tiếp từ những nhân tố bên ngoài tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà chúng ta đầu tư. Khi đó, bạn sẽ tiến hành lượng hóa mức độ ảnh hưởng. Và tiến hành từng biện pháp phòng ngừa cụ thể.
Ví dụ doanh nghiệp bạn chọn, làm ăn chủ yếu với nước ngoài thì tỷ giá hối đoái sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Thì bạn nên có những quyết định như rút bớt vốn và chuyển sang mua cổ phiếu của công ty không làm việc với nước ngoài.
Còn đối với thiên tai, chính trị thì ngoài tầm kiểm soát của bạn. Lúc này bạn chỉ nên mong chờ vào may mắn từ bản thân rằng doanh nghiệp của bạn đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nhiều khi chính những yếu tố rủi ro trên, khi được các phương tiện truyền thông, các diễn đàn đầu tư thổi phồng quá mức, lại chứa đựng những cơ hội giá trị. Giúp chúng ta mua vào cổ phần của những doanh nghiệp chất lượng, nằm ngoài phạm vi tác động ở mức giá hời (một biên an toàn đáng kể) do những con bạc đầu cơ hoảng loạn tháo chạy một cách vô thức. Gặp những trường hợp như thế này bạn phải nhanh chóng tận dụng cơ hội để làm giàu.
2. 2 Cắt lỗ và quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán
Sự khác biệt lớn nhất giữa nhà đầu tư chuyên nghiệp và nghiệp dư là khả năng cắt lỗ. Giới chuyên nghiệp cắt lỗ rất nhẹ nhàng dứt khoát. Còn các nhà đầu tư mới thì đến khi tài khoản thâm hụt nặng mới lò mọ đi cắt lỗ. Quá muộn cho một thương vụ đầu tư.
2.2.1. Cắt lỗ là gì ?
Là việc ngừng nắm giữ chứng khoán để chấm dứt sự thua lỗ về tiền bạc cũng như tiết kiệm nhiều thời gian cho nhà đầu tư.
2.2.2. Nguyên nhân dẫn đến việc trì hoãn cắt lỗ là gì?
– Hy vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại
Đây là suy nghĩ suất phát từ việc bạn không chịu thừa nhận sai lầm, sự thất bại của một thương vụ đầu tư. Bạn cố nắm giữ cổ phiếu đó mà hy vọng vào phép màu là giá cổ phiếu sẽ lên lại. Nhưng thực tế, hầu hết các cổ phiếu đã giảm giá cần rất nhiều thời gian để phục hồi. Bạn càng hy vọng bao nhiêu thì sẽ thất vọng bấy nhiêu thôi, và ngoài kia còn có rất nhiều cơ hội đầu tư tốt mà bạn đã nhắm mắt bỏ qua.
– Chưa bán tức là chưa lỗ
Nhiều người nghĩ rằng giá cổ phiếu giảm nhưng chưa bán ra tức là chưa thua lỗ. Họ không dám nhìn vào sự mất mát trong tài khoản. Nên họ không dám bán ra. Cũng đúng, bởi sự mất mát so sẽ đau khổ hơn rất nhiều so với sự sung sướng khi nhận được cùng một giá trị.
Cụ thể như khi bạn lãi được 1 triệu thì bạn rất phấn chấn. Nhưng khi bạn lỗ cũng 1 triệu thì bạn lại thấy đau đớn hơn rất nhiều. Thế nên họ mới trì hoãn việc cắt lỗ bởi họ sợ cái cảm giác đau đớn khi thấy tài khoản giảm sút.
– Bỏ mặc danh mục đầu tư
Khi đầu tư bạn bỏ trứng vào nhiều giỏ nhưng lại thường chăm chút hơn cho các cổ phiếu đang tăng trưởng . Bạn có thể mở danh mục và ngắm nghía những cổ phiếu tốt. Nhưng lại bỏ bê nhưng cổ phiếu đang giảm giá. Bạn chán nản và mặc kệ nó luôn. Và kết cục đi đôi với sự phó mặc, không quan tâm chính là mức thua lỗ ngày càng nặng trong tài khoản của bạn.
- Cắt lỗ và quản trị rủi ro
Nếu tài khoản bị lỗ từ 5-10% thì dễ để đưa về mức ban đầu. Nhưng nếu lỗ từ 15-20% thì rất khó để quay về mức ban đầu. Còn nếu lỗ đến 50% thì bạn cần nhân đôi tài khoản để đưa về trạng thái ban đầu. Liệu mấy nhà đầu tư có thể làm được điều này? Thế nên cắt lỗ vào đúng lúc là việc làm vô cùng quan trọng.
Không có con số cụ thể nào quy định cho mức cắt lỗ. Nó tùy thuộc vào các lĩnh vực đầu tư, quy mô vốn đầu tư, tính cách của mỗi nhà đầu tư. Nhưng thông thường các nhà đầu tư thường cắt lỗ ở mức từ 8-12%.
Tuy nhiên, có những trường hợp các nhà đầu tư vẫn phải thật tỉnh táo. Khi bạn đã nghiên cứu kĩ càng doanh nghiệp. Và tin tưởng về con đường đi của nó. Tự nhiên giá cổ phiếu giảm sâu thì bạn khoan vội vàng cắt lỗ.
Nguyên nhân ở đây có thể đến từ việc biến động chung do thị trường giảm, hay lái đánh,… Việc làm lúc này là bạn nên kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng vào quyết định của mình.
Nhưng nói tóm lại, cắt lỗ là việc không thể chần chừ, do dự khi bạn thấy nó thực sự không khả thi. Bạn hãy bám vào các nguyên nhân mà tôi đã đưa ra trên kia để tránh tình trạng không dám cắt lỗ, kéo theo thâm hụt tài khoản nặng.
Trong bài viết này, tôi đã chia sẻ rất kĩ càng với bạn về cách phương pháp để quản trị và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng khoán. Đó là việc bạn phải làm đầu tư đúng quy trình, có chiến lược đầu tư đúng đắn, cắt lỗ đúng thời điểm,…Để có một quy trình đầu tư đúng đắn bạn có thể tham khảo tại đây Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm các kiến thức để tiến hành đầu tư an toàn và hiệu quả hơn.