CỔ TỨC – NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG
MÀ NHÀ ĐẦU TƯ CẦN BIẾT
Cổ tức là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động đầu tư cổ phiếu. Nhưng lại thường bị các nhà đầu tư cá nhân đánh giá thấp hoặc chưa hiểu rõ.
Sơn Long Invest sẽ giới thiệu đến các bạn những vấn đề cơ bản về cổ tức tối thiểu mà nhà đầu tư phải biết, những nhầm lẫn thường thấy, những góc khuất trong hoạt động chi trả cổ tức của các công ty niêm yết ở Việt Nam, và nhiều vấn đề quan trọng khác nữa.
Hi vọng sẽ giúp ích, bổ sung thêm một vài tiêu chí quan trọng vào bộ tiêu chí nhằm giúp bạn chọn ra những doanh nghiệp chất lượng, làm gia tăng hiệu quả trong hoạt động đầu tư của các bạn.
CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CỔ TỨC
Cổ tức là gì?
Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được trả cho cổ đông của một công ty cổ phần.
Cổ tức có thể được trả bằng tiền, cổ phiếu, hoặc cả hai.
Công ty lấy gì để trả cổ tức cho cổ đông?
Chính sách chi trả ở mỗi công ty là khác nhau, thường được tính theo tỷ lệ.
Tỷ lệ chi trả thường do ban lãnh đạo trình lên Đại hội đồng cổ đông phê duyệt hàng năm.
Điều kiện đầu tiên để chi trả là công ty phải có Lợi nhuận sau thuế dương trong năm xem xét.
Lợi nhuận sau thuế sẽ được trích vào các quỹ theo luật định và theo Điều lệ của công ty.
Còn lại sẽ được chia làm hai phần:
Một phần trả cổ tức (bằng tiền hoặc cổ phiếu, hoặc cả hai).
Một phần giữ lại đưa vào khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối”.
Số tiền này công ty có thể sử dụng để tái đầu tư, bù đắp thua lỗ, mua cổ phiếu quỹ, … hoặc gia tăng tỷ lệ chi trả trong các năm tiếp theo.
Các hình thức trả cổ tức
Trả bằng tiền mặt
Là việc công ty trích một phần lợi nhuận sau thuế đã đạt được để trả cho cổ đông.
Giả sử bạn nắm giữ 1.000 cổ phiếu Vinamilk (Mã chứng khoán: VNM). Ngày 29/06/2020, công ty sữa này công bố trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 15% mệnh giá. Như vậy số tiền mà bạn sẽ nhận được (chưa trừ thuế thu nhập cá nhân) là: 1.000 x 15% x 10.000 = 1.500.000 VNĐ. Bạn phải nộp thuế TNCN 5%, như vậy bạn thực nhận về chỉ là: 1.500.000 x 95% = 1.425.000 VNĐ.
Đối với các công ty niêm yết, và chứng khoán đã được lưu ký. Các thủ tục thanh toán tiền sẽ được làm theo đúng quy trình quy định giữa Trung tâm lưu ký, công ty chứng khoán và doanh nghiệp mà bạn đầu tư.
Bạn không cần quan tâm nhiều đến quy trình này. Chỉ cần biết, đến thời hạn đã thông báo trước đó, tiền sẽ được công ty chứng khoán nơi bạn mở tài khoản hạch toán vào tài khoản của bạn.
Đối với cổ phiếu chưa niêm yết (OTC). Nhà đầu tư có thể đến trụ sở công ty, mang theo sổ cổ đông và CMND để nhận tiền. Hoặc nhận tiền tại công ty chứng khoán được ủy quyền quản lý sổ cổ đông. Cũng có thể nhận tiền theo hình thức chuyển khoản.
Tất nhiên là bạn sẽ phải nộp thuế 5% cho khoản tiền bạn nhận được. Vấn đề thuế sẽ được bàn ở bên dưới.
Trả bằng cổ phiếu
Là việc công ty sẽ phát hành một lượng cổ phiếu để trả cho cổ đông theo tỷ lệ nhất định.
Ngày 04/06/2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông, theo tỷ lệ 10:3. Như vậy, nếu bạn nắm giữ 1.000 cổ phiếu HPG trước ngày “Giao dịch không hưởng quyền” (ngày GDKHQ). Bạn sẽ nhận thêm 300 cổ phiếu nữa.
Thực chất hoạt động này không làm phát sinh dòng tiền giữa công ty và cổ đông.
Công ty chỉ thực hiện điều chỉnh giá trị giữa các khoản mục trên số sách kế toán. Cụ thể, khoản mục “Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết” tăng lên với giá trị bằng số cổ phiếu được trả cổ tức nhân với mệnh giá. Đồng thời, “LNST chưa phân phối” giảm xuống (doanh nghiệp thường lấy từ nguồn này để trả cổ tức) với giá trị tương ứng.
Về bản chất, doanh nghiệp chẳng mất gì. Và cổ động cũng chẳng nhận được gì từ hoạt động này. (chưa kể số thuế phải chịu, nếu luật thuế tiếp tục sửa đổi theo hướng thu thuế cổ tức bằng cổ phiếu).
Các bạn có thể xem chi tiết hơn về vấn đề này tại đây: Nhầm lẫn về việc trả cổ tức bằng cổ phiếu
Trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu
Một số doanh nghiệp thực hiện chính sách này khá thường xuyên. Khi đó, hàng năm, cổ đông sẽ nhận được cả tiền mặt lẫn cổ phiếu.
Ngày 19/09/2019, CTCP Tập đoàn Thiên Long (Mã CK: TLG) trả cổ tức cho cổ đông: Bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20:1, Bằng tiền mặt, tỷ lệ 5%. Thưởng cổ phiếu. tỷ lệ: 20:1. Như vậy, nếu bạn nắm 1.000 cổ phiếu TLG trước ngày GDKHQ, bạn sẽ nhận được (chưa trừ thuế): Số tiền: 1.000 x 5% x 10.000 = 500.000 VNĐ. Số cổ phiếu bằng cổ tức: 1.000/20 = 50 cổ phiếu. Số cổ phiếu thưởng: 1.000/20 = 50 cổ phiếu.
Hình thức này giúp cân bằng nhiều vấn đề. Tạo cho cổ đông cảm giác nhận được nhiều giá trị. Giúp công ty giữ lại một lượng vốn để tái đầu tư. Đồng thời vẫn thể hiện sức mạnh tài chính với dòng tiền dồi dào của doanh nghiệp.
Khi trả cổ tức, giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh trong ngày “Giao dịch không hưởng quyền”
Ngày “Giao dịch không hưởng quyền” là gì?
Ngày “Giao dịch không hưởng quyền” (Ngày GDKHQ) là ngày mà tại đó, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu, sẽ không được hưởng các quyền lợi có liên quan đến cổ phiếu đã đươc công ty công bố (quyền hưởng cổ tức, quyền dự đại hội cổ đông, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, …).
Các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu tại thời điểm ngay trước ngày giao dịch không hưởng quyền, sẽ được hưởng các quyền này.
Bạn sẽ nhận được gì vào ngày GDKHQ?
Lấy ngay ví dụ cho cổ phiếu TLG của CTCP Tập đoàn Thiên Long ở trên. Ngày 19/09/2019 là ngày GDKHQ trả cổ tức đợt 2/2018 bằng tiền (500 đ/cổ phiếu), bằng cổ phiếu (tỷ lệ 20:1); thưởng cổ phiếu (tỷ lệ 20:1).
Nếu bạn nắm giữ 1.000 cổ phiếu TLG vào trước ngày GDKHQ, tức ngày 18/09/2019. Giá đóng cửa của cổ phiếu TLG tại ngày 18/09/2019 là 56.500 VNĐ/cổ phiếu. Giá trị tài sản bạn sở hữu tại ngày này là 56.500.000 VNĐ.
Như tính toán ở trên, với việc trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, bạn sẽ nhận được số tiền là 500.000 VNĐ và 100 cổ phiếu TLG. Chưa trừ thuế 5%.
Thật tuyệt! Nếu không điều chỉnh giá, tổng tài sản của bạn sẽ là 56.500.000 + 500.000 + 56.500 x 100 = 62.650.000 VNĐ. Tăng vọt 10,88% chỉ sau một đêm!
Thị giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh vào ngày GDKHQ
Nhưng đời không như là mơ! Tài sản của bạn sở hữu ở đây chính là một phần Tập đoàn Thiên Long. Tổng tài sản và dòng tiền cổ tức của tất cả cổ đông, chính là giá trị của Tập đoàn Thiên Long. Nếu giá trị của từng cổ đông tăng thêm 10,88%, có nghĩa là tổng giá trị tập đoàn cũng tăng 10,88% sau một đêm. Chỉ bằng hoạt động đơn giản là trả cổ tức. Bạn đã thấy sự vô lý ở đây chưa?
Để đảm bảo mọi thứ vẫn cân bằng, hợp lý và phù hợp với chuẩn mực kế toán, thông lệ quốc tế. Luật chứng khoán quy định thị giá cổ phiếu phải điều chỉnh trong ngày GDKHQ. Tỷ lệ điều chỉnh bằng với tỷ lệ chi trả cổ tức.
Giá tham chiếu cổ phiếu TLG tại ngày 19/09/2019 sẽ điều chỉnh theo đúng tỷ lệ. Đảm bảo tài sản của Tập đoàn Thiên Long vẫn như cũ (trừ đi phần cổ tức tiền mặt phải trả). Và tài sản của bạn vẫn là 56.500.000 VNĐ (chưa nộp thuế TNCN).
Cụ thể: Điều chỉnh do cổ tức tiền mặt: 56.500 – 500 = 56.000 VNĐ. Điều chỉnh tiếp do cổ tức cổ phiếu và cổ phiếu thưởng (tổng tỷ lệ 20:2) là: 56.000*20/(20+2) = 50.909 VNĐ. Làm tròn thành 50.900 VNĐ.
Giá trị tài sản của bạn lúc này là: 50.900 x 1.100 + 500.000 = 56.490.000 VNĐ. (Giảm 10.000 VNĐ do làm tròn thị giá cổ phiếu). Nếu trừ thuế cổ tức tiền mặt 5%. Bạn sẽ còn: 56.490.000 – 5% x 500.000 = 56.465.000 VNĐ.
Thật buồn! Không những bạn không nhận được gì. Mà còn bị thiệt hại sau khi nộp thuế đánh vào cổ tức!
Tỷ lệ chi trả cổ tức là gì?
Tỷ lệ chi trả cổ tức tính theo mệnh giá
Tỷ lệ chi trả cổ tức theo mệnh giá được áp dụng với hình thức trả bằng tiền mặt.
Nó là số tiền cổ tức mà mỗi cổ phiếu nhận được chia cho mệnh giá của cổ phiếu.
Mệnh giá cổ phiếu ở Việt Nam được quy định là 10.000 VNĐ.
Giả sử công ty trích một số tiền từ Lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận được là 2.000 VNĐ.
Tỷ lệ chi trả cổ tức tính theo mệnh giá là: 2.000 / 10.000 = 20%.
Như vậy khi công ty bạn đang nắm giữ công bố chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ “a%” thì nghĩa là bạn sẽ nhận được 100 x a (VNĐ) cho mỗi cổ phiếu bạn sở hữu.
Nếu bạn sở hữu n cổ phiếu thì tổng số tiền bạn nhận được (chưa trừ thuế) sẽ là: 100 x a x n (VNĐ).
Tỷ lệ chi trả cổ tức tính theo mệnh giá cho thấy một con số cụ thể mà mỗi nhà đầu tư sẽ nhận được.
Nhưng nó không giúp nhà đầu tư đánh giá khả năng tăng trưởng của công ty.
Muốn biết khả năng tăng trưởng của công ty, và hơn nữa, có thể định giá doanh nghiệp bằng phương pháp “Chiết khấu dòng cổ tức” thì nhà đầu tư cần lưu ý đến một tỷ lệ thứ hai dưới đây.
Tỷ lệ chi trả cổ tức tính trên Lợi nhuận sau thuế
Tỷ lệ này cũng quan trọng không kém.
Nó được tính bằng tổng số tiền mà công ty dùng để trả cổ tức trên lợi nhuận sau thuế.
Chỉ số này cho biết công ty trả cho cổ đông mỗi năm là bao nhiêu % lợi nhuận.
Và giữ lại bao nhiêu % lợi nhuận để tái đầu tư.
Một công ty đang trên đà tăng trưởng nhanh, thường cần dùng nhiều vốn. Để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nên nó sẽ giữ lại nhiều lợi nhuận hơn để tái đầu tư.
Ngược lại, một công ty đã phát triển ổn định, không còn nhiều dư địa để mở rộng thị phần.
Nó sẽ cần ít nhu cầu vốn. Cùng với đó là dòng tiền mặt nó tạo ra thường khá dồi dào.
Nên nó sẽ tăng tỷ lệ chi trả cho các cổ đông.
NHỮNG NHẦM LẪN TAI HẠI VỀ VẤN ĐỀ CỔ TỨC
Hai tỷ lệ dễ gây nhầm lẫn mà nhà đầu tư nên biết.
Nhầm lẫn khi xác định công ty có tỷ lệ chi trả cổ tức cao
Nhà đầu tư thường nghĩ các công ty trả nhiều tiền trên mỗi cổ phiếu là có tỷ lệ chi trả cao.
Tiêu biểu như WCS năm 2019 trả tiền mặt 2 đợt, mỗi đợt là 200% (trên mệnh giá). Tương đương với 40.000 VNĐ/cổ phiếu. Công ty có 2,5 triệu cổ phiếu.
Nên tổng số tiền công ty phải chi trả cho tất cả cổ đông là 40.000 x 2.500.000 = 10 tỷ VNĐ.
Số tiền trên được trích từ lợi nhuận sau thuế năm 2018. Tổng lợi nhuận sau thuê năm 2018 là 66,49 tỷ.
Như vậy tỷ lệ chi trả tính trên lợi nhuận sau thuế của WCS chỉ là 10/66,49 = 15%.
Công ty giữ lại 85% lợi nhuận năm 2018.
Trong khi đó, năm 2019, CAP chi trả cổ tức cho 2018 với tỷ lệ 40% trên mệnh giá.
Với số lượng cổ phiếu lúc đó là 4.760.088, thì công ty đã bỏ ra số tiền là hơn 19 tỷ để trả cho cổ đông.
Lợi nhuận 2018 của CAP là 34,6 tỷ.
Như vậy, tỷ lệ chi trả tính trên lợi nhuận sau thuế của CAP là 19/34,6 = 55%. Cao hơn so với WCS rất nhiều.
Nhầm lẫn trong định giá cổ phiếu
Cổ tức cao hay thấp không phải tính theo số tiền nhận được trên mỗi cổ phiếu.
Mà phải tính theo tỷ lệ trên thị giá, nếu bạn muốn so sánh để đưa ra lựa chọn đầu tư.
Cổ tức giống một khoản lãi suất mà công ty trả cho nhà đầu tư.
Bạn bỏ 130 triệu gửi ngân hàng, sau 1 năm bạn nhận về 9,1 triệu, tức lãi suất 7%/năm.
Giả sử, bạn bỏ ra 130 triệu đầu tư 1.000 cổ phiếu VNM vào tháng 5/2019.
Tổng tỷ lệ chi trả tiền mặt tính trên mệnh giá của VNM trong năm 2020 là 35%. Tức là mỗi cổ phiếu bạn nhận được 3.500 VNĐ. Tổng số tiền bạn nhận được là 3.500 x 1.000 = 3,5 triệu.
Vậy tỷ lệ cổ tức trên giá vốn bạn bỏ ra là 3,5/130 = 2,69%. Thấp hơn lãi suất ngân hàng rất nhiều.
Cũng với số tiền này, vào tháng 5/2019, bạn có thể mua 2.800 cổ phiếu CAP. Với tỷ lệ cổ tức tiền mặt trong năm 2020 của CAP cũng là 35%. Số tiền bạn nhận về là: 2.800 x 3.500 = 9,8 triệu.
Tỷ lệ cổ tức trên giá vốn bạn bỏ ra tại CAP là 9,8/130 = 7,53%.
Tỷ lệ này cao hơn lãi suất ngân hàng một chút.
Và cao hơn của VNM rất nhiều, mặc dù có cùng tỷ lệ chi trả tính trên mệnh giá.
Khi công ty trả cổ tức, giá cổ phiếu sẽ tăng?
Nhiều nhà đầu tư cho rằng khi công ty sắp sửa trả cổ tức thì giá cổ phiếu sẽ tăng.
Đây là một sai lầm nghiêm trọng khác.
Những quan điểm như vậy dựa trên suy nghĩ đơn giản là khi công ty trả cổ tức, nghĩa là cổ đông sẽ nhận được món quà ý nghĩa. Và mọi nhà đầu tư đều hứng thú với điều này. Đây rõ ràng là tin tốt. Nên đương nhiên giá cổ phiếu sẽ tăng.
Lối mòn tư duy này giúp cho rất nhiều tổ chức lớn đang nắm giữ cổ phiếu có cơ hội bán ra với giá tốt.
Họ thường chọn (hoặc hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra) những tin tức hấp dẫn vào đúng thời điểm mà họ muốn thoái vốn.
Có rất nhiều ví dụ thực tế để minh họa cho quan điểm ngược chiều này.
Ngày 12/12/2018, Cafef đưa tin: Vinamilk dự chi trên 1.700 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 2/2018 bằng tiền tỷ lệ 10%. Hôm đó, VNM đang có giá 134.000 VNĐ/cổ phiếu (Giá chưa điều chỉnh).
Nếu nhà đầu tư nào mua VNM vì tin này với giá trên để lướt sóng. Thì 1 đến 2 tuần sau họ sẽ phải ngậm ngùi bán cổ phiếu này ra trong vùng giá 120.000 – 125.000 VNĐ/cổ phiếu. Ngậm ngùi chịu mức thua lỗ khoảng 5% – 10%.
Cũng không phải công ty cứ trả cổ tức là giá cổ phiếu sẽ giảm. Rất nhiều trường hợp cổ phiếu tăng giá mạnh sau khi ra tin trả cổ tức.
Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, tin tức về việc trả cổ tức chỉ là một yếu tố phụ – không quá quan trọng đối với quyết định đầu tư.
Trả cổ tức càng cao, chứng tỏ công ty càng chất lượng?
Không hẳn!
Công ty trả cổ tức tiền mặt đều đặn, với tỷ lệ cao rõ ràng là thể hiện sức khỏe tài chính của công ty rất tốt.
Nhưng không phải những công ty trả tiền mặt nhiều nhất là những công ty có tiềm năng nhất.
Bởi vì, trả lại quá nhiều tiền mặt cho cổ đông, chứng tỏ công ty đang bị dư thừa tiền mặt. Có thể ban lãnh đạo chưa tìm ra hướng sử dụng vốn hiệu quả, nên buộc phải tăng tỷ lệ cổ tức.
Một công ty đang tăng trưởng nhanh, sẽ cần rất nhiều tiền mặt để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Nó sẽ hạn chế chi trả cổ tức, thậm chí không chi trả.
Bởi vậy, những nhà đầu tư yêu thích cổ tức tiền mặt cao sẽ rất dễ bỏ lỡ những cơ hội đầu tư vào các công ty tăng trưởng.
Điển hình như trường hợp của Thế giới di động (MWG). Các nhà đầu tư ưa cổ tức cao sẽ không đầu tư vào cổ phiếu này trong giai đoạn tăng trưởng thần tốc của nó 2014 – 2017. Bởi công ty liên tục chi trả cổ phiếu thay vì tiền mặt. Đến năm 2016, MWG mới chi trả tiền mặt. Nhưng tỷ lệ cũng không đáng kể so với thị giá ngất ngưởng của nó.
KHI NÀO NÊN YÊU CẦU CÔNG TY CHI TRẢ – KHI NÀO KHÔNG?
Việc tăng cổ tức hay không trả cổ tức đều chưa chắc đã đem lại lợi ích cho các cổ đông.
Thay vì trả cổ tức, bộ máy quản lý nên tìm cách hiệu quả để tái đầu tư lợi nhuận.
Để xây dựng nhà máy mới, vận hành dây chuyền sản phẩm mới. Hoặc khắc phục một số trang thiết bị tiêu tốn nhiều chi phí tại nhà máy cũ. Vì việc này đem lại nhiều lợi ích hơn cho cổ đông.
Công ty nên giữ lại lợi nhuận hay chi trả cho cổ đông?
Một trong những lý do chính khiến nhà đầu tư hiểu sai về cổ tức là sự biến đổi lớn về lợi ích hàng năm – thu nhập dành cho cổ đông, nếu có, thường không được chia mà bị giữ lại trong doanh nghiệp.
Đôi khi, nhà đầu tư không thu được lợi ích gì từ khoản thu nhập giữ lại.
Trong trường hợp khác, anh ta chỉ thu được một khoản âm.
Như vậy, khoản lợi nhuận giữ lại không làm tăng giá trị cổ phiếu. Trong khi, nếu không giữ lại khoản đó thì giá cổ phiếu còn có thể bị sụt giảm.
Một lý do khác, trong một số trường hợp, cổ đông có thể thu được những lợi ích lớn do công ty giữ lại thu nhập. Nhưng tỷ lệ lợi ích phân bổ cho các cổ đông khác nhau sẽ rất khác nhau. Điều này lại càng khiến cho cách suy nghĩ của nhà đầu tư bị nhầm lẫn.
Bởi vậy, mỗi lần thu nhập bị giữ lại, cần phải kiểm tra xem điều gì thực sự đang diễn ra. Sẽ rất có ích khi xem xét kỹ vấn đề này một cách chi tiết.
Các trường hợp cổ đông nên đề xuất công ty gia tăng chi trả cổ tức
Lợi nhuận giữ lại không cần thiết do bộ máy quản lý yếu kém
Trường hợp này xảy ra khi ban lãnh đạo dự trữ tiền mặt nhiều hơn so với nhu cầu kinh doanh hiện tại.
Có thể họ không có ý đồ gì bất chính khi làm như vậy. Chỉ đơn giản là họ cảm thấy tự tin và an toàn hơn khi tích trữ tiền mặt. Mặc dù không thật sự cần thiết.
Dường như họ không nhận ra mình đang chống chọi với cảm giác an toàn của chính bản thân bằng cách không trả cho cổ đông. Những khoản mà cổ đông đáng được hưởng để sử dụng vào mục đích riêng phù hợp.
Còn một trường hợp khác nghiêm trọng hơn. Đó là điều này xảy ra ở những doanh nghiệp có bộ máy quản lý không đủ trình độ. Họ chỉ cố thể thu được một khoản dưới mức trung bình trên tổng vốn đầu tư vào công ty.
Họ sử dụng khoản lợi nhuận giữ lại để mở rộng các dây chuyền đang vận hành không hiệu quả.
Một điều phổ biến là ban lãnh đạo yếu kém này lại thành công trong việc nâng lương của bản thân. Với lập luận rằng họ đang phải đảm nhận một công việc lớn lao và vất vả hơn.
Lợi nhuận giữ lại là cần thiết nhưng lại không có khả năng làm tăng lợi ích cho cổ đông
Giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào các tài sản không sinh lợi.
Khi nhu cầu của khách hàng thay đổi. Buộc các công ty cạnh tranh phải chi trả những khoản “tài sản” không thể làm tăng doanh thu. Mà nếu công ty nào không chi thì sẽ bị lỗ.
Ví dụ sau khi các cửa hàng bán lẻ cạnh tranh đã lắp đặt hệ thống điều hòa. Buộc cửa hàng của bạn cũng phải lắp, dù không giúp có khoản doanh thu nào tăng thêm.
Nhưng nếu không lắp thì sẽ chẳng có khách hàng nào ghé thăm cửa hàng của bạn vào những ngày hè nóng nực.
Vì thế, cổ đông thường nghĩ rằng họ đã bị đối xử tệ bạc khi không có thêm thu nhập. Mặc dù không được chia cổ tức, thậm chí còn phải chi thêm.
Phải giữ lại lợi nhuận để bổ sung cho việc đầu tư tài sản mới khi khấu hao tài sản cũ là không đủ.
Hệ thống kế toán lại mặc nhiên coi tiền mặt có giá trị cố định, mà bỏ qua lạm phát
Khi bảng cân đối kế toán không có mối liên quan chặt chẽ tới giá trị thực của tài sản được liệt kê trong đó thì đã gây ra nhầm lẫn nghiêm trọng.
Mức khấu hao cho phép về lý thuyết phải đủ để thay thế tài sản hiện thời. Khi tài sản đó không còn giá trị sử dụng kinh tế nữa.
Nhưng chi phí (giá mua vào) cứ tăng dần lên. Nên tổng chi phí khấu hao hiếm khi có thể đủ thay thế cho các tài sản đã lỗi thời.
Khi nào nên ủng hộ công ty giữ lại lợi nhuận thay vì trả cổ tức?
Chúng ta phải phân tích những trường hợp mà lợi nhuận được giữ lại để xây dựng nhà máy mới. Hoặc tung ra những sản phẩm mới đem lại lợi thế rất lớn cho nhà đầu tư.
Cần xem xét mức lợi ích mà nhà đầu tư kiểu này thu được so với nhà đầu tư kiểu khác bởi hai lý do.
Thứ nhất, vấn đề này luôn gây ra nhiều hiểu lầm trong giới tài chính.
Thứ hai, việc hiểu rõ vấn đề sẽ giúp đánh giá chính xác tầm quan trọng thật sự của cổ tức.
Nếu cổ đông muốn tiết kiệm tiền để tái đầu tư thì tốt nhất là công ty nên giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư giúp họ. Thay vì trả cổ tức cho họ rồi họ đem tái đầu tư sẽ bị mất thêm nhiều thuế, phí.
Những khó khăn của nhà đầu tư trong việc dùng cổ tức để tự tái đầu tư
Chọn đúng loại cổ phiếu thường không phải là một vấn đề dễ dàng và đơn giản.
Nếu công ty đang chi trả cổ tức là một công ty tốt. Thì nhà đầu tư đã có một lựa chọn khôn ngoan và may mắn rồi.
Bởi vậy, anh ta sẽ chịu ít rủi ro hơn khi có sẵn một bộ máy có trình độ cao tiến hành đầu tư thêm (giúp cho anh ta và các cổ đông khác nói chung) từ khoản thu nhập giữ lại.
So với việc để anh ta tự tiến hành đầu tư rồi mắc phải những sai lầm nghiêm trọng khi tìm kiếm những khoản đầu tư mới hấp dẫn không kém.
VỀ VIỆC ĐÁNH THUẾ CỔ TỨC Ở VIỆT NAM
Gửi phản hồi các thắc mắc của bạn về hoạt động đầu tư chứng khoán cho Sơn Long Invest tại đây
Các bạn truy cập kênh youtube của Sơn Long Invest để xem các vi deo mới nhất về đầu tư chứng khoán
Thái Bình
Sơn Long Invest